
Ngày xưa, ven sông Chợ Củi, có một đôi vợ chồng từ xa đến lập nghiệp. Cuộc sống mưu sinh vất vả bởi lạ đất, lạ người. Tuy vậy, đôi vợ chồng rất yêu thương nhau, cùng chia bùi xẻ ngọt. Ngày ngày, chồng đi câu cá đổi gạo, vợ ở nhà trồng rau, vun vén gia đình. Chỗ ngồi câu cá quen thuộc của người chồng là trên một tảng đá gần bờ sông. Một đêm nọ, có cơn nước lũ từ nguồn đột ngột đổ về, cuốn theo bao đất đá ven bờ. Người chồng và tảng đá ấy cũng chịu chung số phận.
Người vợ ở nhà, đợi mãi vẫn chẳng thấy chồng về. Đêm càng khuya, nàng cứ bồng con thơ thẩn ra vào, miệng luôn lẩm bẩm: "Câu gì mà câu lâu thế!" Cuối cùng, sốt ruột quá, nàng bồng con ra sông để tìm chồng. Tới nơi, cảnh tượng khủng khiếp đập vào mắt nàng. Người vợ chợt hiểu. Vậy là chồng nàng không bao giờ trở về nữa. Nàng quỳ khóc nức nở rồi ôm con gieo mình xuống dòng nước cho trọn nghĩa vợ chồng.
Dân làng cảm thương đôi vợ chồng nghèo chung tình, đặt tên cho cây cầu bắt qua sông Chợ Củi là cầu Câu Lâu. Sông Chợ Củi còn gọi là sông Thu Bồn. Cầu Câu Lâu còn được gọi là Cầu Mống. Tình cảm thủy chung, keo sơn gắn bó còn được thể hiện trong câu ca dân gian:
Bao giờ Cầu Mống gãy đôi
Sông Thu hết nước em thôi thương chàng
Cây cầu chứng thực cho tình yêu son sắt ấy chưa gãy, cũng như sông Thu chưa bao giờ cạn nước, huống gì, ngày nay, có đến hai cây cầu Câu Lâu song song bắt qua sông Thu Bồn, nối liền hai vùng đất Duy Xuyên, Điện Bàn trên con đường thiên lý Bắc Nam. Đạo lý thủy chung của cha ông đôi bờ sông Thu sẽ mãi mãi được lưu truyền...
(Sưu tầm)
|
Chao co Nga .Rat vui khi duoc lam quen voi co ,chúc thay ngày mới nhiều niềm vui